Chuyện vượt biên: VƯỢT BIÊN BẰNG BÈ
Nguyễn Hữu Ba
Quê
tôi thuộc xã Bình Phú – Huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là Huyện
Tây Sơn, nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn – Nguyễn Huệ). Mẹ tôi họ Bùi
thuộc dòng dõi Bùi Đắc Tuyên, Bùi Thị Xuân. Trong khoảng từ 1945 – 1954
gia đình tôi sống trong vùng Việt Minh, bị chúng ghép vào thành phần
địa chủ. Cha mẹ tôi bị chúng đấu tố rất khổ nhục, cho nên trước năm 1975
thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, mẹ tôi thường dặn “nếu VC mà vào thì
con ở đâu được cứ ở, đừng về đây. Nếu con về đây thấy tụi nó làm nhiều
điều chướng tai gai mắt, con nhịn không được, cãi lại nó thì nó sẽ giết
con chết”.
Cho
nên sau 30-4 bằng mọi giá tôi phải bám trụ lại Sài Gòn, không về quê và
khi ra phường xin giấy tạm trú tôi khai sụt cấp bậc. Vì vậy tôi chỉ
“học tập” ở rạp Đại Lợi (gần chợ Ông Tạ) 3 ngày. Sau đó tôi buôn bán qua
quít sống qua ngày. Cực khổ thì đã đành, nhưng ngày nào cũng phải nhìn
những khẩu hiệu chướng mắt, không thật và tai thì phải nghe mấy cái loa
tuyên truyền láo khoét tôi không chịu được. Tôi thường nói với những
người thân “giả sử VC cho tôi một tòa biệt thự, xe cộ tiền bạc xài thả cửa suốt đời, tôi cũng không thèm sống với VC”
vì nó nói láo qúa.
Chẳng hạn, nhà máy hay ruộng đất của người ta nó bắt
ép người ta phải “hiến” cho nó mà nó cứ nói là người ta tự nguyện hiến
cho Nhà nước. Trên đời này có ai mà tự nguyện đưa hết của cải mình cho
nó bao giờ. Cho nên tôi tìm mọi cách để vượt biên. Từ 1976 đến cuối năm
1978, tôi tổ chức rất nhiều lần đều thất bại. Lý do là tôi không tin
tưởng mấy ông chủ ghe. Thứ hai, tôi là Hải Quân nên rất khó lân la tới
các xóm chài lưới để móc nối. Đến đầu năm 1979, có người biết tôi là Sĩ
quan Hải Quân và giới thiệu tôi về Qui Nhơn để lái chiếc tàu đăng ký bán
chính thức. Tôi về ở đó 3 tháng để coi sửa chữa 2 chiếc tàu. Tôi lái
một chiếc và một ông Trung Úy ở Sài Gòn ra lái một chiếc. Tất cả mọi
việc chuẩn bị đã xong thì thình lình ngày 20-7-1979, sáu mươi nước trên
thế giới họp ở Geneve về vấn đề người tỵ nạn Việt Nam ra đi qúa nhiều
làm cho các nước Đông Nam Á khốn đốn. VC đi dự họp, chúng hứa là từ nay
sẽ không cho một người Việt Nam nào rời khỏi nước, thế là từ đó VC ngưng
chương trình bán chính thức. Ngày 5-9-1979 tôi phải dẫn các con trở vào
Sài Gòn để đi học lại.
Hàng
ngày, sau khi sắp nhỏ đi học tôi nằm nhà một mình như muốn điên. Tôi
chịu không nổi nữa. Một hôm tôi bàn với vợ tôi là tôi sẽ đi tìm mua 1
chiếc xuồng cao su mà trước đây người nhái thường dùng để đi phục kích
(loại này ở Úc cũng thường thấy). Thế là tôi đi dạo các chợ trời để tìm
mua, nhưng không có ai bán. Về nhà tôi suy nghĩ “nếu người ta có, người
ta cũng không bán cho mình. Và nếu họ bán tôi cũng không đủ tiền mua”,
(vì lúc đó tôi chỉ còn vỏn vẹn 1 cây vàng). Thế là từ hình ảnh chiếc
xuồng cao su, tôi mới phác họa ra chiếc bè. Mình không có xuồng thì tại
sao mình không lấy nhiều cái ruột xe ráp lại thành cái bè? Tôi đem ý
nghĩ này bàn với vợ tôi và trấn an vợ tôi rằng “nếu mình đi bằng ghe, thì có thể bị chìm và chết, còn cái bè, tuy lạnh lẽo khổ cực nhưng không bao giờ chìm”. Vợ tôi cũng tin tưởng vào tôi, nói “vậy được đó, làm đi”.
Đó
chỉ là cái ý đại cương vậy thôi. Tôi bảo để tôi tính chi tiết lại đã.
Ngày hôm sau, tôi ra chỗ vá xe đạp ở lề đường, tôi đo đường kính trong
và ngoài của cái ruột xe tải 900-20. Tính ra, một cái ruột xe tải bơm
cứng có thể chở được 150kg. Tất cả gia đình tôi, 2 vợ chồng 4 đứa con, 2
đứa em và 1 đứa cháu + lương thực + nước uống + khung sườn, tất cả độ
750kg (tôi cần 2 đứa em và đứa cháu để phụ tôi bơm ruột xe và để bơi ra
khỏi bờ, vì sóng ở gần bờ cứ dập vào rất khó bơi ra). Như vậy nếu tôi
ráp được 9 cái ruột xe (1350kg) thì tốt hơn. Nhưng nếu ráp 9 cái ruột xe
thì khung sườn bằng gỗ dài qúa (5,3m) dễ bị gẫy. Nên cuối cùng tôi
quyết định ráp 7 cái (1050kg). Khi bỏ bè xuống nước phần nổi độ 10cm.
Thế là tôi lấy giấy bút ra vẽ chi tiết cái bè (tôi đậu tú tài Kỹ Thuật,
nên biết vẽ Kỹ Nghệ Họa). Xong tôi ghi ra 2 tờ giấy, vợ tôi giữ 1 tờ và
đạp xe đi mua cốm dẹp, đường, dây nylon, can nhựa, poncho v.v… Còn tôi
đi mua gỗ và tìm thợ mộc để làm cái khung sườn + ruột xe. Tôi nhớ hoài
nét mặt của ông thợ mộc khi tôi đưa tấm sơ đồ, ổng cứ nhìn ngang nhìn
dọc, ổng không hiểu cái đó là cái gì?
![]()
Chiếc bè
|
![]()
Mái chèo (Phần A)
|
![]()
Mái chèo (Phần B)
|
Riêng
4 cái mái chèo tôi chỉ nhờ ổng làm phần A. Còn phần B tôi mua một tấm
ván mỏng dày 1 phân rồi lấy dao tự đẽo. Khi ra tới bãi tôi chỉ việc lấy
phần A và B ráp với nhau rồi đóng 2 cây đinh là xong. Chứ nếu để cho ông
thợ mộc làm cả phần A và B thì ổng sẽ biết đó là cái mái chèo. Riêng
hai cái khung sườn tôi đánh số bằng sơn trắng từ A1, A2 đến A11 và B1,
B2 đến B11 và bó lại thành 2 bó. Công an lên xét xe, tụi nó chẳng biết
đó là cái gì?
Trước
khi đi, tôi dự kiến là bè có thể bị lật, nên ngoài tôi và 3 đứa em (14,
16 và 19 tuổi) biết bơi, vợ và 4 con tôi phải mang phao và tất cả đều
có dây dù cột dính vào bè (dây dài 2m để di chuyển trên bè). Nhưng làm
sao có phao để mang? Tôi phải dùng can nhựa, 4 đứa nhỏ thì một cái 5 lít
ngay trước ngực và một cái 5 lít ngay sau ót, còn vợ tôi thì can 10
lít. Đó là dự kiến như vậy, nhưng thực tế tôi đi trong cơn bão 2 ngày 2
đêm không lật một lần nào. Lý do là bè rất thấp (1 tấc) cho nên trọng
tâm của bè không thể lọt ra ngoài chân đế, nên không bị lật.
Tất
cả những sự chuẩn bị này, đối với tôi không có gì là khó khăn cả. Chỉ
có một điều khó khăn nhất cho tôi là làm sao di chuyển số đồ đạc này ra
bãi biển Cà Ná (gần Phan Rang). Chỉ riêng điều này không thôi cũng làm
tôi tính toán nát óc. Chuyện là như thế này:
Đúng
ra tôi phải chọn bãi Bạc Liêu, Cà Mau hay Vũng Tàu là tốt nhất vì tháng
10 là mùa gió Bấc, bè sẽ trôi vào hướng Nam, cho nên nếu chọn bãi càng
vào phía Nam càng tốt. Nhưng ngặt nỗi những nơi vừa kể tôi không quen ai
gần bờ biển cả. Cho nên cuối cùng tôi phải chọn bãi Cà Ná, vì bãi Cà Ná
có đường Quốc Lộ 1 chạy sát mé biển. Nhưng cái khó khăn là tại bãi biển
này không có nhà dân, không có suối, nghĩa là không có nước ngọt, mà
nước ngọt thì không thể chở từ Sài Gòn ra được. Hồi đó, công an lên xét
xe, thấy nước ngọt là chắc chắn mình sẽ bị “tó” đầu. Bây giờ chỉ còn một
cách là đi xe từ Sài Gòn ra, mang theo can không, tới Phan Rí (cách Cà
Ná độ 50 cây số) hoặc Long Hương (cách Cà Ná độ 30 cây số) hoặc Vĩnh Hảo
(cách Cà Ná độ 14 cây số) dừng xe lại lấy nước. Rồi tới Cà Ná xuống xe.
Nói thì nghe dễ vậy, nhưng chủ xe nào chịu dừng xe lấy nước ngọt cho
mình, rồi bỏ xuống Cà Ná. Bởi nếu rủi ro bị bắt thì tài sản xe cộ của họ
cũng mất luôn. Ai dám giúp cho mình chuyện này, ngoại trừ mình có thật
nhiều tiền, nhưng tôi thì không. Trước khi đóng bè tôi chỉ còn 1 cây
vàng độ 2,200 đồng tiền VC. Sau khi làm xong bè tôi còn lại 800 đồng.
Chủ xe nào lại chịu lấy số tiền này cho một kế hoạch vượt biên. Cuối
cùng tôi vạch kế hoạch “liều” gồm 2 bước như sau:

Chiếc bè được trưng trong viện bảo tàng Nam Úc
Tôi
ra bến xe Điện Biên (ở đường Phan Thanh Giản, gần ngã tư Hàng Xanh) xe
vận tải Qui Nhơn thường đậu ở đây. Mục đích là gợi chút tình đồng hương
để dể năn nỉ. Tôi không đi xe đò, vì xe đò đông khách, bãi Cà Ná lại
vắng vẻ, không có nhà ở, khi mình xuống xe ở đó thì hành khách trên xe
(có thể có cán bộ VC) họ sẽ nghi mình vượt biên. Nên tôi chọn xe tải chỉ
có 1 tài xế và 1 lơ xe.
Khi
trả giá xong xuôi như một hành khách bình thường đi từ Sài Gòn đến Phan
Rang độ 300 đồng. Tôi sẽ là người ngồi đằng trước với tài xế và cố gắng
lấy cảm tình của ông ta. Khi xe tới Phan Thiết (200 cây số). Đãi ông ta
và lơ xe bữa cơm trưa để gây cảm tình. Sau khi ăn cơm xong, xe bắt đầu
chạy tôi sẽ thố lộ cho tài xế biết là mình đi vượt biên và nhờ ổng giúp
giùm, bằng cách tới Phan Rí (cách Phan Thiết 70km) dừng lại lấy nước cho
mình. Trong túi mình còn lại 500 đồng đưa hết cho ổng. Tuy nhiên, đối
với giới xe tải 500đ này rất nhỏ, không có tác dụng gì mấy, chỉ hy vọng
vào tấm lòng nhân đạo của ổng giúp mình mà thôi. Nhưng đây là một điều
nguy hiểm, rủi ro có thể mất hết tài sản dễ gì ổng giúp mình. Cho nên
trước khi thuê xe phải xem xét kỹ lưỡng ông tài xế để “chọn mặt gởi
vàng”
- Thứ nhất ông này phải là người chống cộng (có chống cộng mới giúp mình vượt biên chứ)
- Thứ hai là có lòng nhân hậu. Không coi trọng vật chất mấy, nghĩa là không ham tiền quá.
- Thứ hai là có lòng nhân hậu. Không coi trọng vật chất mấy, nghĩa là không ham tiền quá.
Cả
hai tiêu chuẩn này đều do trực giác của mình phán xét vì ông ta với
mình có quen nhau trước đâu mà biết được. Vậy mà may mắn sao tôi lại
chọn đúng người.
Bước
thứ hai, nếu tới Phan Rí mà ông tài xế vẫn khăng khăng không dám giúp
mình thì sao? Tới đây bắt buộc cả gia đình tôi phải xuống xe và phân tán
mỏng. Gia đình tôi giữ 2 cái can, 2 đứa em và cháu tôi mỗi đứa hai cái
(tất cả 8 cái) trà trộn vào mấy quán cơm dọc hai bên đường ăn cơm và tìm
cách lấy nước. Độ 1 giờ 30 phút sau, tôi thuê một chiếc xe lam từ Phan
Rí đi Phan Rang (độ 70km), lần lượt đón hết mấy đứa em lên xe. Khi lên
xe, tôi ngồi băng ghế trước với tài xế, thủ một con dao.
Đứa em 19 tuổi
cũng ngồi phái bên kia thủ một con dao. Khi xe đến Cà Ná, đợi đến khúc
đường vắng vẻ, hai anh em tôi sẽ chĩa hai mũi dao vào hông ông tài xế
bắt phải lái xe vào bụi rậm. Xong đem tài xế ra băng sau trói chặt vào
đó. Còn bao nhiêu tiền nhét hết vô túi ổng. Sau khi mình đi khỏi, ngày
hôm sau đám trẻ chăn bò sẽ mở trói cho ổng. Kế hoạch thì như vậy, nhưng
rất may chúng tôi chưa phải xài đến giải pháp này.
Ông
tài xế xe tải, sau khi nghe tôi thố lộ đã “hồn phi phách tán”, chỉ lái
xe theo phản xạ như không hồn. Nhưng vì thương gia đình tôi, ổng đã giúp
chúng tôi đến nơi đến chốn và hiện giờ ổng nhận tôi là con nuôi của ổng
(tôi chỉ kể vắn tắt vậy thôi, chứ nếu kể hết những gì tôi thuyết phục
bác tài xế thì dài dòng lắm).
Theo
kế hoạch tôi muốn xuống Cà Ná vào lúc sẩm tối để tránh lũ trẻ chăn bò.
Nhưng vì Bác Tư nói xe ổng phải về sớm không thể chần chừ lâu được cuối
cùng tôi phải xuống Cà Ná lúc 2 giờ chiều. Rất may là không có ai thấy.
Chúng tôi vào bụi rậm và bắt đầu bơm hơi vào ruột xe. Công tác này thật
nặng nhọc. Chúng tôi mang theo 9 cái ruột xe tải, 7 cái ráp vào bè và 2
cái xơ-cua. Mỗi cái chúng tôi phải bơm 4 lần mới đầy. Nghĩa là cứ bơm
cho đuối sức rồi nghỉ độ 5, 10 phút rồi bơm lại, 4 lần như vậy. Đến 7
giờ tối chúng tôi mang tất cả xuống mé biển và ráp bè. Ráp xong ngồi chờ
đến 9 giờ tối, gió đất bắt đầu thổi ra, chúng tôi thả bè xuống nước và
khởi hành.
Tôi
xin giải thích thêm về hiện tượng gió ở các vùng ven biển. Ở các vùng
gần bờ biển, ban ngày đất liền nóng hơn mặt biển, không khí bốc lên nên
gió ở ngoài thổi vào. Khi mặt trời lặn, mặt đất toả nhiệt nhanh hơn nên
lạnh trước, trong khi nước tỏa nhiệt chậm hơn nên mặt biển vẫn còn ấm.
Cho nên khoảng 8:30 – 9 giờ (giờ VN), gió từ bờ thổi ra, chúng tôi lợi
dụng cơn gió này để căng buồm ra khơi (vì không đủ tiền để mua máy đuôi
tôm).
Tôi
thả bè xuống nước lúc 9 giờ đêm, đi được 6 tiếng đồng hồ. Đến 3 giờ
sáng thì bão bắt đầu nổi lên. Gió đổi hướng liên tục, tôi phải hạ buồm
xuống chỉ để bè trôi theo dòng nước. Thấy sóng thật lớn, nhưng bè vẫn an
toàn không lật. Chúng tôi yên tâm tiếp tục đi 2 ngày và 2 đêm trong bão
(tôi thả bè xuống nước ngày 21-10-1979 đến chiều 23-10-1979 tôi đã đến
ngoài khơi Vũng Tàu cách bờ độ 60km. Như vậy tôi đã đi được khoảng 200
cây số đường dài). Buổi trưa ngày 22-10, tôi đi ngang qua Phan Thiết,
chỉ cách bờ độ 12-15km, nhìn vào bờ thấy thành phố rất rõ. Nếu trời êm
gió lặng, có lẽ tụi nó đã phát giác bè của tôi tại đây. Nhưng vì bão lớn
quá, nên mặt biển vắng teo không có một chiếc thuyền nào qua lại.
Đến
chiều ngày 23-10, khoảng 4 giờ, tất cả chúng tôi đều quá mệt nên trùm
poncho để ngủ, không ai lái cả. Tuy nhiên bè vẫn trôi về hướng Nam và
càng ngày càng ra xa bờ (xin nói thêm là bè không lật nhưng mỗi khi bè
lên đến đỉnh sóng thì thường bị cái ngọn sóng bạc đầu phủ lên bè, không
nguy hiểm, nhưng ướt và lạnh suốt ngày đêm). Bốn đứa con tôi lúc đó chỉ
có 4, 5, 7 và 9 tuổi). Lúc 4 giờ tôi đang ngủ chợt nghe có tiếng gọi
“trên bè có ai còn sống không?” Tôi giật mình thức giấc thì thấy một
chiếc ghe khá lớn, trên đó có độ 10 ngư phủ. Họ tưởng chúng tôi vượt
biển bằng ghe, ghe bị chìm mới lên chiếc bè cấp cứu này và thấy nằm im,
sắp lớp, nên họ tưởng chúng tôi đã chết hết rồi. Họ cho biết là mấy ngày
trước, họ đánh cá ở đảo Trường Sa, gặp gió lớn qúa họ núp bão ở các đảo
ngoài đó. Hôm nay gió dịu bớt họ trở về, đi ngang qua đây gặp chúng tôi
và họ khuyên chúng tôi nên trở vào. Nếu cứ tiếp tục đi không sống nổi
đâu. Chúng tôi hội ý bàn bạc với nhau, thằng em họ lớn nhất (19 tuổi)
bàn: “anh Ba à, trật keo này mình bày keo khác, nếu mình tiếp tục đi, em
sợ mấy đứa nhỏ không sống nổi”.
Trước
lúc ra đi tôi đã quyết tâm, nhưng khi đứng trước cảnh này, nhìn các con
tôi không đành lòng để chúng chết trên biển, nên đồng ý quay về. Chủ
ghe bắt thanh niên chúng tôi bơi qua tàu họ (vì họ sợ chúng tôi có súng,
cướp ghe của họ nên không dám lại gần). Tôi còn lại 800 đồng (vì ông
chủ xe tải không lấy tiền), một sợi giây chuyền và chiếc nhẫn độ vài chỉ
vàng 18. Tôi đưa hết cho chủ ghe và nhờ ổng chở vào bờ, bỏ tôi ở một
bãi biển vắng để về Sài Gòn, nhưng ổng không chịu, mặc dù rất thông cảm
và thương chúng tôi. Nhưng vì trên ghe có rất nhiều ngư phủ, khi về họ
sẽ xầm xì, bàn tán. Thế nào công an cũng nghe được và nguy hiểm đến tài
sản và gia đình ông ta. Ông chỉ có thể chở chúng tôi đến đồn công an.
Anh em chúng tôi bàn tán thêm một lúc và thằng em cũng chỉ khuyên tôi
trở về chấp nhận vào tù, khi hết tù sẽ làm chuyến khác. Vì lúc đó bè
chúng tôi không thể tự trở về bờ được vì gió bấc thổi về Nam và nước
cũng chảy về Nam. Thôi thì chịu cảnh tù tội từ đây.
Ghe
đánh cá chở chúng tôi về đến đồn 36 Công An Biên Phòng thuộc xã Hưng
Long – Phan Thiết khoảng nửa đêm 23 rạng 24 tháng 10. Chúng tôi bị nhốt ở
đây một ngày, đến chiều 24 chúng chở về trại I Phan Thiết và tống tôi
vào phòng biệt giam. Vợ con tôi ở nhà nữ, còn mấy đứa em thì nhốt ở các
nhà tập thể khác. Sáng ngày 26-10-1979 chúng vào bảo tôi đem hết đồ đạc
ra chỗ văn phòng. Tới nơi tôi thấy vợ con và mấy đứa em đầy đủ. Tôi phân
vân tự nghĩ “không lẽ chúng thả mình về sớm vậy?” Nhìn vợ con, tôi
không cầm được nước mắt. Chỉ qua hai đêm mà mặt mày vợ con tôi như miếng
gừng xâm kim để làm mứt. Muỗi cắn nát không có khoảng hở nào cách nhau
được 5 ly. Chờ một lát, có tên công an ra bảo “chúng tôi cần một số
hình ảnh về chiếc bè của anh. Hôm nay chúng tôi sẽ chở anh trở lại đồn
36. Trên đường đi nếu anh có hành động gì chúng tôi sẽ không chịu trách
nhiệm”. Ý nó nói, nếu tôi chạy trốn nó sẽ bắn bỏ. Khi xuống tới đồn,
chúng bắt chúng tôi đem tất cả đồ đạc ra gần mé nước ráp bè và thả
xuống nước (vì chúng đã tháo ra hết). Nghĩa là diễn lại y như lúc tôi đi
để chúng quay phim, chụp hình làm tài liệu. Xong, chúng chở tôi về trại
I vào phòng biệt giam và bắt đầu cuộc đời tù tội từ đây.
Chúng
nhốt vợ con tôi 13 ngày, mấy đứa em 3 tháng và tôi 39 tháng. Khi vợ con
tôi từ nhà tù ra bến xe, dân chúng hai bên đuờng đều biết mặt, vì họ có
đi xem “đóng phim”. Họ thăm hỏi và giúp đỡ rất tận tình. Khi đến bến
xe, chủ quán mời vào cho ăn cơm không lấy tiền. Khi lên xe, chủ xe không
lấy tiền xe mà còn bao cho ăn trưa. Và khi đến Sài Gòn chủ xe gọi hai
chiếc xích-lô chở vợ con tôi về nhà và họ trả tiền trước.
Vợ
tôi dẫn 4 đứa con về được Sài Gòn mặc dù trong túi không có xu nào. Vì
tôi đã dặn vợ tôi bằng mọi giá phải bám lại Sài Gòn. Sau khi mượn tiền
của bạn bè và bà con mua một ít gạo muối để lại cho 2 đứa con, lớn nhất
(Vi) và nhỏ nhất (Luân) ở lại Sài Gòn. Vợ tôi dẫn đứa thứ ba (Thủy) ra
Nha Trang ở với dì, và Thảo (đứa thứ hai) về Bình Định ở với ngoại. Cha
mẹ và các chị em hai bên góp vốn để giúp vợ tôi buôn bán nuôi con.
Những
người đàn ông khác thì sao tôi không biết. Chứ tôi có một cái tật xấu
là đối với người ngoài, khi ai giúp cho tôi một điều gì, tôi cũng thường
nói thank you hay cảm ơn xoèn xoẹt y như… Tây, nghĩa là cũng biết
galant, cũng …lịch sự như mọi người. Nhưng đối với vợ con trong nhà thì
hình như tôi mang cái ý nghĩ là… “của riêng mình ta, ván đã đóng hòm,
không ai thèm vào đây rước ba cái của nợ này”. Nên không bao giờ tôi nói
được hai tiếng cảm ơn, ngoại trừ trường hợp nói cảm ơn để …móc họng,
trong những lần vợ chồng gấu ó nhau.

Anh Nguyễn Hữu Ba tại phòng triễn lãm Viện Bảo Tàng Nam Úc
Nhân
đây tôi xin nói vài hàng về vợ tôi , để nếu “chẳng may” vợ tôi đọc được
thì những dòng này sẽ thay tôi nói lời tạ tội và cảm ơn công lao của
“Bà”, đã nuôi nấng cha con tôi. Con cá sống nhờ nước, cha con tôi sống
cũng nhờ vợ tôi.
Lúc
đó vợ tôi là một phụ nữ tương đối coi cũng được, không đến nỗi “ma chê,
quỷ hờn”. Nên cũng có những kẻ muốn “xắn tay bẻ nụ… hoa tàn”. Vốn liếng
lại không có bao nhiêu, nếu là một người đàn bà yếu lòng, không đủ
trung kiên, chung thủy với chồng thì cũng dễ tìm một nơi nương tựa lắm.
Sau
khi tôi ở tù về, nghe mấy đứa con kể lại cuộc sống đã qua mà ứa nước
mắt. Trong năm đầu tiên, vợ con tôi không dám ăn nước mắm, chỉ mua mắm
ruốc kho lỏng thành nước để chấm rau lang và rau muống. Có dư ra đồng
nào vợ tôi đều để dành, lúc thì mua 1kg đường, lúc thì mua 1kg chuối
khô, để trên đầu tủ, các con tôi thèm nhỏ dãi, nhưng vợ tôi bảo “để dành
đi thăm Ba”. Cứ hai tháng vợ tôi đi thăm nuôi tôi một lần, còn tháng ở
giữa hai lần thăm thì gởi 5 kg bưu phẩm, đều đặn như thế suốt 3 năm 3
tháng. Sau khi ở tù về, tôi rất đau lòng khi biết rằng suốt thời gian ở
tù tôi ăn uống còn đầy đủ hơn vợ con tôi ở nhà. Lý do là vợ tôi sợ tôi ở
tù phải lao động cực nhọc. Bắt đầu từ năm thứ hai trở đi, vợ tôi buôn
bán thuốc tây có thu nhập khá hơn nên gia đình đỡ khổ hơn năm đầu. Thật
tội nghiệp cho vợ con tôi. Lòng trung trinh, chung thủy của vợ tôi, có
thể ví như… chì đã được thử lửa.
Có
một điều đáng nói là cộng sản kêu án tôi 3 năm tập trung cải tạo, nhưng
đến 39 tháng họ mới thả tôi ra. Khi họ thả, nhìn vào lệnh tha, tôi thấy
họ đã ký thả trước đó một tháng rưỡi. Nghĩa là ký thả đã trễ mà khi đã
ký rồi còn nhốt thêm một tháng rưỡi nữa vì công việc đồng án đang cần
tù. Đúng là luật pháp của CS.
Sau
khi tôi về được hai tháng, được người bạn cùng khóa giới thiệu tôi lái
một chiếc tàu dài 12.5m, chở theo 83 người. (Trong chuyến vượt biển
thành công này, có một cái chết thật lạ lùng của một thanh niên, tôi sẽ
thuật lại trong một bài khác). Tôi trực chỉ đảo Natuna – Indonesia. Sau
77 giờ vượt biển, tôi cập vào bờ Natuna (ngày 12-4-1983) để xin nước và
bản đồ để tiếp tục đi Úc. Nhưng chính quyền ở đây không cho đi. Họ đưa
tôi qua đảo Kuku rồi trại tỵ nạn Galang. Gần 6 tháng sau (13-10-1983),
gia đình tôi đến Úc, bỏ lại Việt Nam một đứa con, vì khi đi gấp quá tôi
không về kịp Qui nhơn để mang theo được.
Gia
đình tôi tới Adelaide ngày 13-10-1983. Sau hai tháng ở Pennington
Hostel, tôi thuê được một căn flat ở Woodville, và vợ tôi làm ở hãng
may, còn tôi thì đi làm farm. Đầu năm 1985, tôi thuê được một farm nhà
kiếng ở Virginia. Vợ tôi vẫn tiếp tục làm ở hãng may để sinh sống, vì
thời gian đầu làm farm chưa có thu hoạch. Dần dần công việc làm farm bề
bộn hơn, vợ tôi đành phải nghỉ hãng may để phụ tôi. Nhiều đêm, vợ chồng
tôi và 3 đứa con (một đứa còn kẹt ở VN) phải chong đèn làm ngoài nhà
kiếng đến 11-12 giờ đêm. Hai năm đầu làm farm cũng may mắn được mùa, nên
cuối năm 1986 tôi mua được một trại nuôi heo. Tôi tiếp tục làm cả hai
farm, nhà kiếng và trại chăn nuôi. Thêm gần được 3 năm nữa thì tôi trả
lại nhà kiếng và chỉ giữ lại trại chăn nuôi heo. Đến năm 1990, tôi mở
thêm một tiệm Take-Away và làm được 6 năm.
Các
con tôi nay đã trưởng thành. Tất cả 4 đứa đều đã tốt nghiệp đại học.
Chúng tôi rất mừng có được gia đình hạnh phúc. Tôi xin cảm ơn vợ tôi, Và
biết ơn nước Úc đã đón nhận chúng tôi định cư tại Úc, một xã hội tự do,
dân chủ, công bằng và bác ái.
Nguyễn Hữu Ba